Phòng mổ và nguyên tắc thiết kế một chiều
Trong thiết kế bệnh viện, “khu phẫu thuật được xem là trái tim của công trình”. Vì vậy, khi thiết kế, KTS phải rất chú trọng đến quy trình hoạt động liên hoàn của khu vực này. Để có được thiết kế hợp lý, cần tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định trên cơ sở các kiến thức đầy đủ về tiêu chuẩn sử dụng và thiết bị trong phòng mổ. Trong đó, quy tắc một chiều là bắt buộc, phân luồng giao thông hành lang sạch – bẩn, giao thông bác sĩ – bệnh nhân… theo một nguyên tắc chung để đảm bảo sự vô trùng tuyệt đối.
YÊU CẦU CHUNG VỀ THIẾT KẾ PHÒNG MỔ
Theo công bố của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, số phòng mổ và phòng hồi sức đạt tiêu chuẩn chỉ 7/33 phòng (chiếm 21,2%), phòng hồi sức không đạt tiêu chuẩn về vi sinh lên đến 78,8%. Như vậy, một khi đã nhiễm khuẩn bệnh viện, người bệnh sẽ có nhiều biến chứng và có thể mắc thêm nhiều bệnh khác, phải dùng nhiều loại kháng sinh sẽ dẫn đến tăng sự kháng thuốc của vi khuẩn, tăng chi phí điều trị, trường hợp xấu hơn có thể dẫn đến tử vong. Nguyên tắc thiết kế một chiều cũng là yếu tố đầu tiên và tiên quyết là phải đảm bảo sự vô trùng tuyệt đối.
Ở Việt Nam, tiêu chuẩn thiết kế TCXDVN 365.2007 quy định diện tích tối thiểu của phòng mổ là 36m2 và chiều cao tối thiểu là 3,1m. Ở Hoa Kỳ, phòng mổ bệnh viện đa khoa xây mới có diện tích không nhỏ hơn 37m2, chiều rộng không nhỏ hơn 6,1m, chiều cao có thể từ 2,8m – 3,6m. Khi thiết kế phòng mổ, KTS cần lưu ý hệ thống kỹ thuật của phòng mổ rất nhiều và phức tạp, trong đó hệ thống cung cấp khí sạch cho phòng mổ luôn có yêu cầu chiều cao thông thủy lớn. Vì vậy, thông số kỹ thuật tốt nhất khu vực phòng mổ, chiều cao giữa hai cốt nền phải lớn hơn 4m. Ở các bệnh viện có thiết kế nước ngoài thì khu vực trần kỹ thuật xấp xỉ 1,4m để dễ bố trí, sửa chữa bảo trì hệ thống. Nên thiết kế các phòng mổ theo hình vuông, chữ nhật để dễ dàng bố trí dây truyền công năng và trang thiết bị nội thất. Không gian phòng mổ càng ít góc cạnh chừng nào thì lại càng đảm bảo vệ sinh vô trùng chừng ấy vì các thiết bị trong phòng mổ rất nhiều: bàn mổ, máy gây mê, giúp thở và các thiết bị phụ trợ khác cho nên cần phải đủ rộng rãi để đôi lúc cần thiết thì sẽ đưa vào thêm được các thiết bị khác như C-Arm. Nguyên tắc thiết kế một chiều cần quan tâm bố trí 2 cửa cho phòng mổ: một cửa chính để đẩy băng ca và cửa phụ. Ở bốn góc của phòng mổ nên thiết kế dạng vát 45o, mục đích để bảo đảm lưu thông không khí trong phòng, tránh góc khí quẩn. Tránh tối thiểu các góc cạnh, tủ thiết bị âm tường, tạo phẫu trường rộng rãi, thuận tiện cho phẫu thuật viên.
Phòng mổ mẫu – Bệnh viện Quốc tế Vinmec
Thiết kế hệ thống điện cũng có những điểm khác biệt, sử dụng nhiều thiết bị điện chuyên dụng ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân. Điện chiếu sáng phải tách riêng với điện động lực sử dụng cho thiết bị. Một số thiết bị cần sử dụng điện một chiều như đèn đọc phim Xquang, đồng hồ mổ, máy Xquang lại cần nguồn 3 pha. Đặc biệt, hệ thống điện trong phòng mổ phải được cung cấp liên tục, luôn có nguồn điện dự phòng và có hệ thống nối đất riêng. Thiết bị y tế sử dụng trong phòng mổ đa phần là nhập khẩu từ các nước khác nhau: Anh, Mỹ, Nhật, Đức… với các chuẩn điện và ổ cắm khác nhau, vì thế rất khó khăn trong việc sử dụng để nối kết các thiết bị với các ổ 2 – chấu thông thường. Hiện nay trên thị trường có một sản phẩm thanh dẫn điện thông minh Eubiq, trên thanh dẫn có thể cắm các đầu cắm khác nhau tùy theo sự lựa chọn của trang thiết bị y tế loại nào, rất linh động và phù hợp sử dụng trong phòng mổ, mỗi phòng mổ sẽ cần khoảng 2 thanh với 12 – 18 ổ cắm. Khi bố trí xác định vị trí ổ cắm điện phải dựa vào sự định vị vị trí bàn mổ và các thiết bị y tế kèm theo, sau đó mới thiết kế bố trí ổ cắm cách nền nhà 0,6 – 0,8m.
Hệ thống khí y tế là một trong những đặc trưng cơ bản khi thiết kế bệnh viện, đặc biệt ở phòng mổ vấn đề khí y tế lại càng được quan tâm hơn vì nó là yếu tố đầu tiên đảm bảo sự sống còn cho bệnh nhân. Để đảm bảo yêu cầu chống nhiễm khuẩn trong khu vực phòng mổ, việc lắp đặt trang bị hệ thống khí sạch là điều rất quan trọng hiện nay tại các bệnh viện. Khí sạch áp lực dương (class1000, 10.000, 100.000) cho các phòng mổ bình thường. Khí sạch áp lực âm dùng cho phòng mổ đặc biệt cách ly và nhiễm. Khu vực phòng hồi sức cấp cứu, hành lang cấp độ sạch 100.000 hoặc 1.000.000. Thông thường một phòng mổ cần hệ khí y tế gồm oxy, khí nén, hút chân không. Với các phòng mổ có yêu cầu đặc biệt, có thể bố trí thêm khí ni tơ hay đầu hút khí gây mê, phòng phẫu thuật cần nội soi lại yêu cầu nguồn cung cấp khí CO2. Đầu ra khí y tế trong phòng mổ được phân bổ trên tường hoặc trên các hệ thống treo trần (Pendant, Ceiling hose, ưu điểm của hệ thống này là tiết kiệm diện tích, tránh việc phẫu thuật viên vướng phải dây khí nối từ tường ra bệnh nhân). Thông thường vẫn phải thiết kế luôn cả 2 vị trí và luôn có một cụm dự phòng: Oxy, hút, khí nén.
Thiết kế hệ chiếu sáng trong phòng mổ cần chú ý phân chia bao gồm chiếu sáng tổng thể và chiếu sáng cục bộ khu vực bệnh nhân. Chiếu sáng tổng thể có từ hệ đèn âm trần hay hệ đèn góc vát âm trần. Chiếu sáng cục bộ lấy từ đèn mổ (đèn không hắt bóng) được bố trí từ tay treo trên trần, có thể dễ dàng xoay chuyển bằng tay, điều chỉnh tiêu cự sáng và độ sáng. Thiết kế treo trần nên bố trí ở các góc. Độ rọi chung của phòng mổ vào khoảng 300 – 700 lux. Độ rọi của đèn mổ thông thường phải lớn hơn 100.000 lux/1 đèn (một bộ có từ 2 – 3 đèn). Trên bộ đèn mổ còn có thể gắn các camera để quan sát khu vực mổ (đối với trường hợp mổ hở). Ngoài ra, đèn xem phim Xquang là loại đèn chuyên dùng, được bố trí trên vách phòng mổ, dùng để đọc các phim Xquang. Ngoài ra còn có các yêu cầu về ổ cắm điện phòng mổ, biến thế cách ly, sàn phòng mổ… các KTScần lưu ý để hoàn thiện trong thiết kế.
Độ ồn là một yếu tố khó lường trước mà hiện rất ít được các kiến trúc sư quan tâm. Nếu phòng mổ có độ ồn quá lớn thì phẫu thuật viên khó tập trung vào công việc. Thiết kế phòng mổ nên đảm bảo độ ồn thông qua việc sử dụng nhỏ hơn 50 dB.
Để đảm bảo yếu tố vệ sinh, các bản vẽ nên lưu ý cung cấp hệ thống nước rửa tay và bồn rửa tay tiệt trùng khu vực sát phòng mổ. Trước khi vào phòng mổ, phẫu thuật viên bắt buộc phải rửa tay, thực hiện thao tác rửa tay theo quy định. Trần phòng mổ nên hạn chế các phào nổi, tập trung đơn giản hóa, “phẳng hóa” nhiều nhất có thể để khử khuẩn bằng khí hay dung dịch định kỳ dễ dàng.
Trong khu vực phòng mổ luôn phải có hệ thống liên lạc nội bộ với các thiết bị tối ưu nhất. Hệ thống này nên nối trực tiếp đến bộ phận quản lý, trực khu vực khoa phẫu thuật, gây mê hồi sức, hệ thống camera quan sát ca mổ có thể truyền hình trực tiếp đến phòng hội chẩn trong hay ngoài nước. Hệ thống điện thoại liên lạc nội bộ bao gồm một hay nhiều thiết bị thu hình kết nối đồng bộ và ổn định đến một hay nhiều các thiết bị đầu cuối khác. Bố trí camera cần đặt tại góc trần của phòng mổ.
Trước tốc độ thay đổi và phát triển của thiết bị y tế, KTS phải thường xuyên cập nhật các thiết bị tối tân nhất đáp ứng nhu cầu thiết kế hiện nay. Với yêu cầu phòng cháy chữa cháy, vật liệu vách phòng mổ thường được làm bằng các tấm vật liệu chống cháy, trong phòng mổ các kiến trúc sư nên thiết kế đầu báo khói. Đối với các phòng mổ sử dụng máy Xquang, Carm… cần tuân thủ yêu cầu về chống bức xạ bằng cách sử dụng các vật liệu chống bức xạ như tấm chì được đặt trong tường, kính chì thiết kế bố trí tại cửa phòng mổ.
Sơ đồ thiết kế phân luồng giao thông bác sĩ, bệnh nhân
Sơ đồ thiết kế phân luồng giao thông hành lang sạch – bẩn
THIẾT KẾ NỘI THẤT VÀ TRANG THIẾT BỊ PHÒNG MỔ
Trước kia các phòng mổ hay dùng tường ốp gạch men hay thạch cao. Tuy nhiên nhược điểm lớn nhất của các vật liệu này là các mạch ghép dễ bám khuẩn và khó chà rửa độ sạch cao. Yêu cầu vách phòng mổ hiện đại phải là vật liệu chống cháy, chống bám khuẩn, chịu được mài mòn chà rửa, chống hóa chất. Các phòng mổ hiện tại trên các nước thường sử dụng tấm panel SGP. Loại panel này có 2 lớp, lớp ngoài là thép không rỉ sơn epoxy có tác dụng chống khuẩn, chống hóa chất và mài mòn, lớp trong là thạch cao chịu nước, chống cháy và có tác dụng cách âm. Ưu điểm của loại này là đáp ứng được nhu cầu vô khuẩn, các mối nối bằng silicon kháng khuẩn chuyên dụng, tính thẩm mỹ cao. Ngoài ra đối với phòng mổ hiện đại, cửa chính phòng mổ có kích thước > 1,6m, sử dụng cửa tự động hay bán tự động. Ưu điểm của cửa tự động và bán tự động là phẫu thuật viên không phải chạm tay hay chạm cơ thể để mở cửa, bảo đảm vô trùng tuyệt đối cho phẫu thuật viên.
Trong quá trình phẫu thuật trong phòng mổ điều bắt buộc là các phẫu thuật viên phải sử dụng đèn âm trần để đảm bảo chống bụi và vi khuẩn bám vào đèn. Vì vậy các kiến trúc sư khi thiết kế phải đặt hệ thống đèn này được bố trí tại góc vát giữa tường và trần phòng mổ, mặt đèn bằng nhựa acrylic để đảm bảo yếu tố chống bám khuẩn. Khác với đèn phòng mổ, đèn mổ có yêu cầu độ rọi lớn, không bị hiệu ứng tạo bóng đổ. Đèn này có dạng tay treo từ trần, có nhiều khớp, dễ dàng điều chỉnh vị trí và độ sáng, tiêu cự, giúp phẫu thuật viên chiếu sáng rõ khu vực phẫu thuật trên bệnh nhân.
Tủ đựng thiết bị thường được thiết kế âm trong vách phòng mổ, bằng chất liệu inox chuyên dụng dùng để chứa các dụng cụ phẫu thuật, các vật tư cho ca mổ. Cánh tủ bằng inox và kính để có thể quan sát bên trong. Trong các ca mổ thì vấn đề ghi chép hay nhập dự liệu hoặc tìm kiếm các thông tin sẽ được các phẫu thuật viên thao tác ngay tại phòng mổ nên cần bố trí kệ máy tính, tránh tình huống đi ra ngoài phòng mổ để thực hiện thao tác này. Một số loại thuốc, dịch truyền, vật tư y tế có yêu cầu nhiệt độ riêng phải được lưu trữ trong các tủ có nhiệt độ riêng hay còn gọi là tủ giữ ấm, giữ lạnh. Các tủ cần được bố trí tại vị trí gần với khu vực phẫu thuật nhưng gọn và đảm bảo giao thông.
Thiết kế nội thất cần bố trí đồng hồ mổ phù hợp hướng nhìn và theo dõi của toàn bộ kíp mổ. Đây là một thiết bị quan trọng và không thể thiếu với chức năng đếm thời gian thực hiện ca mổ, thời gian gây mê. Đó đều là những thông số cần thiết để phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê thao tác. Số hiển thị trên đồng hồ mổ dạng chữ số điện tử.
Thiết kế phòng mổ đạt chuẩn là một mảng công việc đặc biệt. Cho đến nay, KTS trong nước đã dần đảm nhiệm và thực hiện hầu hết các công đoạn của quá trình thiết kế, giám sát thi công. Trong tương lai, cùng với sự phát triển tiến bộ của ngành y tế, sẽ có thêm nhiều loại tiêu chuẩn thiết kế cho bệnh viện nói chung và phòng mổ nói riêng, nhưng tiêu chuẩn thiết kế một chiều vẫn sẽ là một trong những tiêu chí thiết kế chính áp dụng đối với phòng mổ.
ThS VÕ XUÂN BỘI LÂM
Giám đốc Công ty TNHH Xuân Vy
Nguồn ảnh: Tác giả
Theo Tạp Chí Kiến Trúc Việt Nam số 7/2012
Link gốc : http://www.dccd.vn/vi/tin-tuc/chi-tiet/132/
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.
Trackbacks/Pingbacks
[…] và trầy sước cao; cũng như các tác nhân làm sạch và khử trùng. Chúng được thiết kế đặc biệt để làm sạch các khu vực; không chỉ vì thiết kế tiện dụng mà còn bởi hệ […]